Hiểu đúng về tình trạng ngộ độc Methanol

Bạn hiểu như thế nào về tình trạng ngộ độc Methanol?

4 phút, 8 giây để đọc.

Ngộ độc Methanol là một tình trạng ngộ độc ít gặp. Methanol ngày nay được biết đến là một loại cồn công nghiệp và chất này thường được cấm chỉ định sử dụng ở thức uống. Methanol có nhiều ứng dụng khác nhau trong cuộc sống, bản thân riêng lẻ Methanol không độc. Nhưng các chất chuyển hóa của nó thì lại vô cùng độc. Khi bị ngộ độc, chúng sẽ hấp thu nhanh chóng qua đường tiêu hóa, đường hô hấp hoặc qua da (trong vòng 30-90 phút). Tuy là một tình trạng ngộ độc hiếm gặp, nhưng nếu chúng ta không có kiến thức về nó để đảm bảo và phòng vệ bản thân thì đôi khi lại vô tình “rước họa”. Nội dung bài viết ngay sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng ngộ độc Methanol.

Tìm hiểu về methanol và rượu methanol

Methanol còn được gọi là carbinol, methyl alcohol, alcohol gỗ, methyl hydrate, methyl hydroxide, methyl alcohol,… Methanol tức rượu methyl là một chất cồn, có công thức hóa học là CH3OH, là loại rượu đơn giản nhất, nhẹ, không màu, dễ bay hơi, dễ cháy, dễ tan trong nước. Rượu methanol là một chất lỏng với mùi đặc trưng, hơi ngọt hơn ethanol (rượu uống).

Tìm hiểu về methanol và rượu methanol

Thành phần chính của rượu uống là ethanol có công thức hóa học là C2H5OH. Trong khi methanol có công thức hóa học là CH3OH. Cả 2 loại rượu này đều được sản xuất bằng cách lên men và chưng cất. Trong khi ethanol được lên men từ tinh bột như ngũ cốc, các loại củ có chứa tinh bột hoặc đường. Thì methanol được lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Không giống rượu ethanol, methanol nguyên chất có độc tính cao, không thích hợp để uống. Tại sao methanol độc mà lại làm rượu từ methanol? Câu trả lời là vì lợi nhuận, người sản xuất ra rượu với chi phí rẻ, tạo ra các loại rượu có hàm lượng methanol trong rượu rất cao, dễ gây ngộ độc.

Nguyên lý hoạt động của methanol khi vào cơ thể

Khi được đưa vào cơ thể, Methanol dễ dàng được hấp thu qua ruột, da, phổi của người. Và đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau khoảng 30 – 60 phút. Hóa chất này được phân bố rộng rãi vào các chất dịch của cơ thể với thể tích phân phối là 0,6 lít/kg, được chuyển hóa chậm và thất thường ở gan. Khoảng 3% lượng methanol đưa vào cơ thể được đào thải qua phổi hoặc đào thải nguyên vẹn không thay đổi qua nước tiểu.

Nguyên lý hoạt động của methanol khi vào cơ thể

Bản thân Methanol mang độc tính thấp, song khi vào cơ thể, chúng sẽ bị oxy hóa thành phóc-man-đê-hít (formaldehyde). Chất này sau đó tiếp tục bị oxy hóa thành axit pho-míc (formic acid). Chính axit pho-míc là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc methanol. Nó phá vỡ chức năng tế bào, làm ngưng trệ khả năng chuyển hóa năng lượng. Khiến năng lượng bị tích tụ mà không thể giải phóng. Tích tụ axit pho-míc trong võng mạc gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác. Dẫn đến mù lòa. Axit pho-míc còn gây tổn thương não bộ, có thể dẫn đến tử vong. Theo đó, chỉ cần 10ml methanol trộn vào đồ uống là đủ để gây ra mù vĩnh viễn. Và 30m methanol (1 ngụm) có thể gây chết người.

Cần làm gì trước sự nguy hiểm của methanol đối với sức khỏe?

Với sự nguy hiểm đến sức khoẻ mà methanol gây ra, trong đời sống, chúng ta cần:

  • Không sản xuất rượu có nồng độ methanol cao để bán cho thị trường để trục lợi.
  • Lựa chọn và sử dụng rượu có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ tem chứng nhận của cơ quan chức năng.
  • Không sử dụng rượu có hàm lượng Methanol >0,1%
  • Nói chung, không sử dụng các loại rượu có nồng độ từ 30 độ trở lên và không uống quá 25-30ml/người/ngày.
  • Trường hợp nghi ngờ có tổn thương não liên quan đến sử dụng rượu có thể đến khám tại bệnh viện để được làm các xét nghiệm cần thiết và nhận tư vấn từ các bác sĩ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *