Công nghệ ngăn chặn tự tử được Hàn Quốc chú ý nghiên cứu phát triển
Cục thống kê Hàn Quốc cho biết rằng, ở quốc gia này, vấn nạn tự tử đang dấy lên một hồi chuông cảnh báo. Thực tế cho thấy rằng, ở Hàn Quốc, tự tử là một trong 5 nguyên nhân gây chết người phổ biến nhất. Nó chỉ đứng sau ung thư, bệnh tim, viêm phổi và bệnh mạch máu não. Trung bình, một ngày có khoảng 40 người tự tử. Vấn đề này hiện đang trở thành một nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân ở xứ sở kim chi. Đó chính là nguyên nhân thúc đẩy các nhà nghiên cứu Hàn Quốc nỗ lực phát triển công nghệ ngăn chặn tự tử.
Tự tử đang là vấn nạn lớn ở Hàn Quốc
Không nhiều người đủ dũng cảm và đủ điều kiện để sống một cuộc đời vì đam mê. Đặc biệt, ở xã hội nhiều kỳ vọng như Hàn Quốc thì công việc, sự nghiệp sẽ là trên hết. Những áp lực đã khiến Hàn Quốc trở thành một trong những nước có tỷ lệ tử vong cao. Thậm chí là còn xếp ở top đầu của thế giới. Hàn Quốc với dân số 52 triệu người có tỷ lệ tự tử cao nhất trong các nước OECD. Dữ liệu của chính phủ nước này cho thấy, hơn 13.700 người đã tự tử vào năm 2019.
Các cơ quan chức năng của thành phố Seoul cho biết, mỗi năm có khoảng 500 vụ tự tử. Các vụ này được thực hiện trên 27 cây cầu bắc qua sông Hàn. Số vụ cứu hộ trong năm 2020 tăng gần 30% so với 2019. Trong đó các vụ tự tử chủ yếu rơi vào những người có độ tuổi từ 20 đến 30. Một trong những lý do làm gia tăng số vụ tự tử ở Seoul là liên quan đến khó khăn về kinh tế. Bên cạnh đó là vì mất việc do đại dịch Covid-19 gây ra.
Hàn Quốc phát triển công nghệ đặc biệt ngăn các vụ tự tử
Hàn Quốc mới đây đã phát triển công nghệ camera quan sát bằng trí tuệ nhân tạo. Công nghệ này có thể giúp ngăn chặn các vụ nhảy cầu tự tử. Nó hoạt động nhờ thuật toán dự báo. Thuật toán này dựa trên việc thu thập và phân tích dữ liệu được lấy từ 2.800 camera an ninh và các cảm biến. Từ đó, hệ thống có thể đọc được dấu hiệu của người có ý định nhảy cầu tự tử. Khi có dấu hiệu, hệ thống sẽ lập tức gửi cảnh báo ngay tới đội cứu hộ.
Viện Công nghệ Seoul cho biết, hệ thống AI mà họ đang phát triển dựa trên các nhóm hành vi bằng cách phân tích dữ liệu từ camera, cảm biến và hồ sơ gửi dịch vụ cứu hộ kể từ tháng 4/2020. Trưởng nhóm nghiên cứu là Kim Joon-chul. Anh cho biết dựa trên các chi tiết ghi nhận được từ cảnh quay của camera an ninh (CCTV) và sự do dự của một người nào đó, AI có thể dự đoán tình huống nguy hiểm và ngay lập tức cảnh báo cho các đội cứu hộ.
Liên quan đến vấn đề này, Kim Hyeong-gil, phụ trách đội cứu hộ khu vực Yeoido cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng hệ thống CCTV mới sẽ cho phép nhân viên của chúng tôi theo dõi các trường hợp và giúp chúng tôi thực hiện nhiệm vụ một cách nhanh chóng và kịp thời”. Nhóm của Kim Hyeong-gil đang tích cực phối hợp với các nhà nghiên cứu. Mục đích là để đưa ra công nghệ phù hợp với đội cứu hộ. Theo dự kiến, công nghệ này sẽ thử nghiệm từ tháng 10 tới.